Dân tộc thiểu số tại Minh Hóa
18-05-2023
1. Giới thiệu
Quảng Bình là địa phương ở khu vực miền trung giàu tài nguyên du lịch. Ngoài bờ biển dài và những thắng cảnh nổi tiếng thì phía tây của tỉnh còn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nằm dưới tán rừng Trường Sơn và dọc theo hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại.Đây là tiềm năng rất lớn để Quảng Bình phát triển du lịch cộng đồng gắn với nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện, trong số hơn 40 sản phẩm du lịch mà địa phương đang khai thác, có nhiều sản phẩm du lịch văn hóa ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bước đầu tạo được sức hút với khách du lịch.
2. Phát hiện tộc người Rục
Năm 1959, tộc người Rục sống ở trong hang đá giữa rừng sâu heo hút, đã được một tổ tuần tra thuộc lực lượng công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) tình cờ phát hiện. Sau nhiều tháng thuyết phục, 11 hộ và 34 người Rục đầu tiên "miễn cưỡng" rời hang đá về thung lũng Rục Làn (Thượng Hóa, Minh Hóa) dựng lều và bắt đầu làm quen với làm rẫy, trỉa đậu, trồng ngô ...
Từ đây, tộc người Rục được biết đến như là "người em út" trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Họ được các nhà khoa học ghép vào nhóm người Chứt bởi có những nét tương đồng về nhân chủng, ngôn ngữ ... nhưng trong đời sống của mình, người Rục vẫn ẩn chứa những bản sắc rất riêng, mang nét bí ẩn chưa được khám phá.
3. Hậu duệ hiếm hoi của cư dân tiền Việt Mường
Theo ông Đinh Thanh Dự, do đặc điểm sống ẩn mình trong hang đá, nơi rừng sâu, núi thẳm, bản tính lại nhút nhát nên mãi đến năm 1959, Nhà nước mới phát hiện tộc người này. Nhưng người Nguồn ở Minh Hóa thì tiếp xúc với tộc người Rục đã từ rất lâu.
Theo các nhà nghiên cứu, địa vực hình thành, phát triển và sinh sống lâu đời của người Rục ở Trường, sát biên giới Việt Lào. Sau khi được vận động, họ chuyển ra sinh sống tại Dằn, Ón, Ồ ồ, Lũ Làn ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa) cho đến nay. Người Rục vốn không có họ, không có tộc danh.
Những già làng người Rục cho biết, ngày xưa họ thường ở hang lèn, dưới những vòm, mái đá lèn hoặc làm trại dưới chân núi, nơi có nước rục (nước trong núi đá vôi hoặc trong lòng đất) chảy ra. Vì lẽ đó, nên các tộc người khác đã gán cho họ cái tên "Rục". Trước khi rời hang đá, người Rục vốn sống tách biệt, cuộc sống hoàn toàn dựa vào tự nhiên nên còn giữ nhiều yếu tố sinh hoạt của người tiền sử. Dường như người Rục không biết đến sự tồn tại của các tộc người khác, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Tóc dài quá lưng, không mặc quần áo, chỉ che thân bằng những tấm vỏ cây sơ sài là hình ảnh của người Rục lúc bấy giờ.
Người Rục quen leo trèo cây, trên các triền núi cao ngất để săn bắt, hái lượm. Món ăn phổ biến yêu thích của họ là bột nhúc, bột đoác và thịt thú nhỏ, nhưng thích nhất vẫn là thịt khỉ. Ông Dự cho rằng: Về văn hóa ẩm thực của người Rục, người Nguồn đã có câu đúc kết: "Ăn cơm tôốc mầy trôốc cá rấu, nghẹn ấm poóc/ Ăn dúc mầy thịt doóc, dót thấm thuẩy"(Ăn cơm gạo rẫy với đầu cá to, nghẹn không nuốt được/ Ăn cơm bột cây đoác với thịt khỉ, nuốt ngon lành).
Đã hơn 50 năm rời hang đá, về hòa nhập với cộng đồng nhưng người Rục còn "nặng lòng" với cuộc sống hoang sơ, gắn với tự nhiên, nơi rừng sâu, hang đá ... người trẻ thì đã ít dần, nhưng các già bản thì còn "ham" trở lại hang đá lắm. Mỗi năm cứ đến mùa rẫy, họ lại dắt díu nhau rừng có khi vài ba tháng mới về nhà.
Ngày nay, người Rục đã được các chiến sĩ biên phòng đồn Cà Xèng hướng dẫn trồng lúa nước, do hàng năm vẫn bị nước lũ chia cắt nên phần nào đời sống của người Rục còn nhiều khó khăn. Biệt là đường vào 3 bản nằm sâu trong khu vực biên giới nên gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi bão lũ.
Nguồn ảnh: Internet
Nhằm giúp đỡ bà con dân tộc thiểu số có cuộc sống đỡ vất vả hơn, sớm hoà nhập với các dân tộc khác trên địa bàn thì Sở Du lịch Quảng Bình tổ chức chương trình khảo sát các sản phẩm du lịch ở các bản, làng có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nơi cư trú của các tộc người thiểu số còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Từ đó, ngành du lịch Quảng Bình có kế hoạch, giải pháp phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống khu vực miền núi.
Dân bản tham gia vào hoạt động du lịch bằng cách cung cấp sản vật địa phương để chế biến thành món ăn, biểu diễn các nhạc cụ truyền thống phục vụ khách tham quan.
.
Nguồn ảnh: Internet
Nhiều công ty du lịch trên địa bàn đã phối hợp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cách chế biến và trình bày món ăn, kỹ năng, thao tác sử dụng các thiết bị bảo hộ khi du lịch khám phá mạo hiểm, hỗ trợ khuân vác cho khách. “Quá trình đó giúp người dân bản địa cảm nhận rằng mình là một phần trong tua, tuyến du lịch nên đã nỗ lực hợp tác cùng phát triển. Sự chia sẻ lợi ích công bằng giữa doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương sẽ khuyến khích người dân tham gia vào chuỗi hoạt động du lịch bền vững”
Có thể nói, việc phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số làm đa dạng hóa, bổ sung dịch vụ cho các sản phẩm du lịch của tỉnh Quảng Bình; đồng thời góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân ở các vùng còn khó khăn nhưng có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ giữa núi rừng Trường Sơn.
KIẾN THỨC LIÊN QUAN